Những người Việt làm việc cho ITU

Hiện có 2 người Việt Nam đang làm việc cho Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) là ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT) và ông Phạm Viết Thông, nguyên Phó trưởng Phòng Quy hoạch tần số và Phối hợp quốc tế của Cục Tần số Vô tuyến điện.

Tại Hội nghị toàn quyền năm 2014 - sự kiện lớn và quan trọng nhất của ITU được tổ chức tại Busan, Hàn Quốc từ ngày 20/10 đến 10/11/2014, các quốc gia thành viên đã tham gia bỏ phiếu bầu ra các vị trí điều hành tổ chức ITU. Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT) đã trúng cử vào Ủy ban Thể lệ thông tin vô tuyến của ITU nhiệm kỳ 2015-2019. Ông Đoàn Quang Hoan sinh năm 1958, có bằng Thạc sỹ Điện tử viễn thông. Ông là người Việt Nam đầu tiên trúng cử vào Ủy ban Thể lệ thông tin vô tuyến của ITU. 
 
Ông Phạm Viết Thông (thứ 2 từ phải sang) trong một hội nghị của ITU năm 2014.
Ông Phạm Viết Thông (thứ 2 từ phải sang) trong một hội nghị của ITU năm 2014.

Trước đó, Cục Tần số Vô tuyến điện cũng đã có người thi tuyển vào làm nhân viên của ITU, đó là ông Phạm Viết Thông. Ông Phạm Viết Thông sinh năm 1975, làm việc tại Cục Tần số Vô tuyến điện từ tháng 6/1997. Đến tháng 10/2008, ông Phạm Viết Thông chính thức làm việc cho ITU sau khi thi tuyển vào tổ chức này. Trước khi làm việc cho ITU, ông Phạm Viết Thông đã giữ chức vụ Phó Trưởng Phòng Quy hoạch Tần số và Phối hợp quốc tế của Cục Tần số Vô tuyến điện.

Khi làm việc tại Cục Tần số Vô tuyến điện, ông Phạm Viết Thông  phụ trách công việc đăng ký, phối hợp tần số, quỹ đạo vệ tinh. Hiện nay, ông Phạm Viết Thông đang phụ trách Phòng Vệ tinh của ITU. Ông Phạm Viết Thông được đánh giá là con người thông minh, sâu sắc và là chuyên gia có kinh nghiệm trong đàm phám phối hợp quỹ đạo vệ tinh. Ông Phạm Viết Thông cũng là người đã từng tham gia đàm phán quỹ đạo vệ tinh VNASAT của Việt Nam. Trao đổi với phóng viên Báo Bưu điện Việt Nam qua điện thoại, ông Phạm Viết Thông cho biết, hiện cả gia đình ông đã định cư bên Thụy Sỹ. Cứ 2 năm một lần, cả gia đình lại về thăm quê hương. Ông Phạm Viết Thông cho biết, do đặc thù công việc, nên các công việc của ông tại ITU không được chia sẻ thông tin ra bên ngoài.
 
Ông Đoàn Quang Hoan (bên trái) chụp ảnh lưu niệm với tân Tổng thư ký của ITU.
Ông Đoàn Quang Hoan (bên trái) chụp ảnh lưu niệm với tân Tổng thư ký của ITU.

Trả lời Báo Bưu điện Việt Nam sau khi Ủy ban Thể lệ thông tin vô tuyến của ITU tổ chức  Đại hội nhiệm kỳ 2015-2019, ông Đoàn Quang Hoan cho biết: “Tôi đã vinh dự là người Việt Nam được bầu vào Ủy ban Thể lệ thông tin vô tuyến. Vai trò, chức năng của Ủy ban này được quy định trong Công ước Viễn thông Quốc tế. Cụ thể, Ủy ban này có nhiệm vụ ban hành các quy trình giải quyết việc đăng ký, sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh chưa được quy định chi tiết trong Thể lệ vô tuyến điện để Cục Vô tuyến của ITU thực hiện. Uỷ ban này cũng là cơ quan có quyền xem xét và giải quyết các tranh chấp, khiếu nại của các nước về đăng ký, sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh, bao gồm cả khiếu nại của các nước về kết quả xử lý của ITU. Ví dụ, nước A đã đăng ký vệ tinh và tuyên bố đã đưa vào sử dụng, nhưng nước B lại phát hiện ra nước A chưa từng đưa vào sử dụng và nước B khiếu nại lên ITU. Lúc đó, Ủy ban Thể lệ thông tin vô tuyến có trách nhiệm xem xét, giải quyết khiếu nại đó và đưa ra phán quyết là hủy hay không hủy hồ sơ đăng ký”.

Theo ông Đoàn Quang Hoan, vì vai trò và chức năng đặc biệt quan trọng của Uỷ ban, nên hầu như nước nào cũng mong muốn có ghế trong Uỷ ban này. Tại Đại hội toàn quyền lần này có khá nhiều quốc gia đề cử ứng cử viên. Khu vực châu Á và Châu Úc được phân bổ 3 đại diện nhưng có đến 6 ứng cử viên đến từ Nhật Bản, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập (UAE), Ấn Độ, Iran, Việt Nam và Indonesia. Cuối cùng, 3 thành viên trúng cử đến từ Nhật, UAE và Việt Nam. Sự kiện ứng cử viên Việt Nam trúng cử vào Ủy ban có ý nghĩa thể hiện uy tín của Việt Nam trong tổ chức quốc tế quan trọng này, thể hiện sự đánh giá cao của quốc tế và sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế về chuyên môn, uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực thông tin vô tuyến.

Quá trình vận động để được bầu vào Ủy ban không phải đến thời điểm này chúng ta mới thực hiện. Trước đó Việt Nam đã xác định phải cử người tham gia vào các cơ cấu hoạt động của ITU, đặc biệt là RRB. Tuy nhiên, cho đến bây giờ chúng ta mới hiện thực hóa được cái quyết tâm ấy. Cục Tần số Vô tuyến điện đã từng vận động và giới thiệu được người vào làm việc tại ITU, nhưng thông qua hình thức tham gia tuyển dụng. Còn đây lần đầu tiên Việt Nam có người vào một cơ quan quan trọng của ITU thông qua bầu cử.

Ông Đoàn Quang Hoan cho biết, 12 thành viên của Ủy ban Vô tuyến của ITU làm việc  theo chế độ kiêm nhiệm. Tôi sẽ phải thường xuyên xem xét các đề xuất, kiến nghị, khiếu nại của các nước về tần số, quỹ đạo vệ tinh, từ đó trực tiếp thảo luận tại các hội nghị của Ủy ban để ra quyết định giải quyết. Ngoài các công việc tham gia trực tiếp tại trụ sở của ITU, một năm từ 3 đến 4 lần, tôi phải thường xuyên nghiên cứu theo dõi các văn kiện để trực tiếp tham gia ý kiến, trực tiếp góp ý và cùng Hội đồng, Ủy ban đưa ra những quyết định chính xác nhất.

“Khi Việt Nam có thành viên trong Ủy ban vô tuyến của ITU, chúng ta có quyền tham gia xây dựng luật chơi ở mức cao hơn. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam có thể trực tiếp bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của Việt Nam tại ITU. Ngoài công việc của Ủy ban, đương nhiên mình sẽ có cơ hội tiếp xúc với các chuyên gia, với đại diện của các nước, qua đó học hỏi kinh nghiệm của họ về quản lý tần số, và đấu tranh bảo vệ quyền lợi quốc gia về tần số và quỹ đạo vệ tinh. Từ đấy mình sẽ có đóng góp cho hoạt động quản lý trong nước tốt hơn” ông Đoàn Quang Hoan nhấn mạnh. Dự kiến buổi họp đầu tiên của Ủy ban vô tuyến của ITU mà ông Đoàn Quang Hoan là thành viên sẽ được tổ chức vào ngày 16/3/2015.

Theo Trung Thành
Ictnews.vn